FLASH NEWS:

Sức mua thị trường giảm mạnh do dịch COVID-19, doanh nghiệp địa ốc lao đao

Thị trường bất động sản giao dịch ảm đạm vì dịch COVID-19 kéo dài. Nhiều doanh nghiệp môi giới địa ốc đang không có nguồn thu và phải gồng gánh tất cả chi phí để giữ nhân sự. Báo cáo thị trường tháng 7/2021 của bất động sản cho thấy, tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 cùng lệnh giãn cách xã hội kéo dài ở phía Nam đang gây ra nhiều ảnh hưởng lớn khiến giao dịch nhà đất ảm đạm.

Sức mua trên thị trường bất động sản giảm sút mạnh vì dịch bệnh kéo dài. Ảnh: Quang Duy

Tại TP.HCM, thị trường đang bùng phát dịch lớn nhất cả nước ghi nhận nhu cầu tìm mua nhà đất trong tháng 7 giảm rất mạnh. Đồng Nai và Bình Dương, hai thị trường có số ca nhiễm gia tăng liên tục trong tháng vừa qua cũng ghi nhận mức tìm mua nhà đất giảm 35% so với tháng trước. Tổng lượng tin đăng rao bán bất động sản tại TP.HCM giảm kỷ lục, với mức giảm lên đến 52% so với tháng trước. Lượng tin đăng bán nhà đất, nhà riêng và căn hộ tại TP.HCM giảm trung bình từ 48-59% chỉ trong 1 tháng. Tương tự, nhu cầu tìm mua chung cư, đất nền và nhà riêng tại TP.HCM cũng giảm mạnh ở mức từ 25-41%, mức giảm thấp kỷ lục trong các năm gần đây.

Nhìn nhận về thị trường TP.HCM trong tháng vừa qua, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Bất Động Sản khu vực phía Nam cho biết, Chỉ thị 16 kéo dài liên tục trong tháng qua đã khiến mọi hoạt động kinh tế của TP.HCM bị đình trệ, hầu hết các kênh đầu tư trong đó có bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc không thể trực tiếp tham gia mua bán và tìm kiếm nhà đất. Thị trường bất động sản TP.HCM trong tháng 8 sẽ tiếp tục đối diện thách thức lớn khi lệnh giãn cách vẫn còn kéo dài.

Theo phân tích của một số chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp, trong ngành bất động sản chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các doanh nghiệp lớn, hầu hết là các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, có các nguồn vay hoặc cam kết tài trợ của ngân hàng đảm bảo triển khai các hoạt động đầu tư dài hạn, dịch bệnh diễn biến kéo dài đang tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp này nhưng họ còn có thể “gồng gánh” được.

Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp môi giới, chiếm 60-70% tổng số doanh nghiệp địa ốc và đa số là những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, hoạt động dựa trên việc phân phối sản phẩm do chủ đầu tư cung ứng ra. Do nguồn lực có hạn, những doanh nghiệp này chỉ có thể gồng mình trong một thời gian nhất định, nếu kéo dài sẽ khó trụ lại trên thị trường và khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường hoạt động bình thường trở lại, việc thiếu vắng lực lượng môi giới sẽ tạo ra một “cuộc khủng hoảng kết nối cung - cầu”.

Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, kể từ thời điểm cuối tháng 4/2021, đại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn những lần trước khiến các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước, tiếp tục chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề hơn. Khoảng 80% các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.

Giám đốc một công ty môi giới bất động sản có thị phần lớn ở khu vực Long An, Bình Dương cho biết, công ty có đội ngũ môi giới lên đến 150 nhân viên. Chủ trương của công ty là không cắt giảm nhân viên, nhưng do ảnh hưởng của COVID-19, nhân viên không thể trực tiếp giao dịch với khách hàng, lượng sản phẩm tiêu thụ cũng giảm mạnh, dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, buộc công ty phải giảm 50% lương cứng.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty BĐS Trường Phát, đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM đã phải đóng cửa văn phòng để tuân thủ các lệnh giãn cách xã hội, doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác cũng đều khó khăn vì dịch. Nhiều doanh nghiệp môi giới đang không có nguồn thu và phải gồng gánh tất cả chi phí để giữ nhân sự với hy vọng khi dịch được kiểm soát thì có thể trở lại hoạt động được ngay, nhưng nếu tình trạng khó khăn kéo dài hơn mà không nhận được sự hỗ trợ thì chắc chắn sẽ có không ít doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường.

Không quá lạc quan về thị trường, nhiều chuyên gia địa ốc đưa ra những dự báo, sự ngủ đông của thị trường bất động sản sẽ kéo dài hơn và khó có thể lạc quan về kịch bản phục hồi sớm trong quý 4/2021./.

Theo baoxaydung.com.vn

 

Share this Post :

Bài viết liên quan

Tin xem nhiều

Tài liệu


Địa điểm nổi bật