Vingroup lo ngại, khi các quy định pháp lý đang trái ngược nhau, ảnh hưởng tới việc triển khai nhà ở xã hội của các chủ đầu tư và giá bán của sản phẩm này.
Theo Nghị định 49/2021, doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị bắt buộc phải dành 20% quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội tại các đô thị loại III trở lên.
Vingroup cho rằng quy định này hiện chưa phù hợp với đặc thù, yếu tố riêng và nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội của các địa phương. Ví dụ, các tỉnh, thành khu vực miền núi, trung du thuộc đô thị loại 3 chưa có nhu cầu nhà ở xã hội, nhưng theo quy định vẫn phải dành quỹ đất trong dự án cho phân khúc này.
Ngoài ra, doanh nghiệp lo ngại có thể mất cơ hội ưu đãi khi đầu tư, xây dựng phân khúc nhà ở xã hội do các khái niệm, quy định về chính sách phát triển loại hình bất động sản này đang mâu thuẫn, trái ngược nhau.
Chẳng hạn, theo Nghị định 49/2021 bổ sung, sửa đổi Nghị định 100/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở, thì dự án nhà ở xã hội gồm: dự án nhà ở xã hội độc lập và dự án trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại trong trường hợp chủ đầu tư không tự xây nhà ở xã hội.
Tức là, chủ đầu tư trực tiếp làm dự án nhà ở xã hội thì dự án này không gồm phần nhà xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại. Như vậy, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại sẽ không được coi là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Nên họ không được hưởng các ưu đãi theo Nghị định 100/2015, như được dành 20% tổng diện tích đất ở để xây nhà ở thương mại, hoặc dành 20% diện tích sàn bán theo giá thương mại; miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Điều này, theo Vingroup, sẽ không khuyến khích các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại xây nhà xã hội, và họ sẽ bàn giao quỹ đất này cho Nhà nước để chọn chủ đầu tư khác, gây lãng phí thời gian, nguồn lực.
Quy định này còn tạo ra bất cập trong lập, triển khai quy hoạch các dự án nhà ở thương mại, vì trên cùng quỹ đất 20% này sẽ phát sinh hai phương án quy hoạch khác nhau...
Dự án nhà ở xã hội tại Thanh Hóa nằm trên một phần diện tích khu đô thị Vinhomes Star City. Ảnh: vinhomesgroup.info
Cũng theo tập đoàn này, Nghị định 49/2021 hiện đã bỏ quy định dự án nhà ở xã hội được dành 20% diện tích sàn nhà ở để bán thương mại, làm hạn chế quyền của chủ đầu tư. Bởi, theo quy định trước đây, họ có thể dành 20% tổng diện tích đất ở hoặc 20% tổng diện tích sàn nhà ở để xây công trình kinh doanh thương mại. Còn hiện họ chỉ có quyền dành tối đa 20% diện tích đất để làm nhà ở thương mại.
Với những dự án nhà ở xã hội quy mô nhỏ, khoảng 1 ha, sẽ không thể tách 20% diện tích đất ở để xây riêng toà nhà ở thương mại. Trường hợp này toàn bộ căn hộ là nhà ở xã hội, và chủ đầu tư không được hưởng ưu đãi nên giá bán nhà có thể sẽ tăng.
Mặt khác, việc tách riêng các toà nhà xã hội và nhà ở thương mại; không được bố trí sàn thương mại dịch vụ trong các toà nhà ở xã hội... khiến người mua nhà khó tiếp cận các tiện ích, dịch vụ với giá phù hợp.
Trước những bất cập này, Vingroup kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ nghiên cứu, tham mưu bỏ quy định trên, đồng thời khôi phục lại ưu đãi "chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được dành 20% diện tích sàn ở để bán giá thương mại".
Vingroup cũng đề nghị làm rõ các chính sách truy thu tiền sử dụng đất khi bán nhà ở thương mại trong dự án nhà ở xã hội hay hỗ trợ chủ đầu tư, khách mua nhà ở xã hội vay vốn...
Hiện, gói phục hồi kinh tế 2022-2023 đưa ra chính sách hỗ trợ 2% lãi vay thương mại cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà ở xã hội, song các tiêu chí để được tiếp cận vay hiện quá chặt chẽ khiến chỉ số ít doanh nghiệp tiếp cận được. Chưa kể, mức hỗ trợ lãi suất 2% theo "ông lớn" bất động sản là thấp, trường hợp dự án tồn kho một nửa số căn bộ trong 2 năm thì chủ đầu tư không có lãi.
Theo Nghị định 31/2022, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải đáp ứng các điều kiện khắt khe nếu muốn được hỗ trợ lãi suất 2% một năm, như dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đã được giao đất, cho thuê đất, hoàn thành giải phóng mặt bằng và được cấp phép xây dựng.
Dự án muốn được vay vốn ưu đãi còn phải được UBND cấp tỉnh lập danh mục gửi Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố danh mục dự án. Quy định này, theo Vingroup phát sinh thủ tục hành chính, làm chậm việc thực thi chính sách ưu đãi, trong khi chính sách này chỉ được thực thi đến hết năm 2023.
Số liệu của Bộ Xây dựng tới giữa tháng 8 cho thấy, hiện mới có 11 dự án nhà ở xã hội được bộ này đề xuất đủ điều kiện hưởng cơ chế vay ưu đãi lãi suất này. 11 dự án được đề xuất vay ưu đãi lần này đều tại TP HCM và Bình Định. Các dự án này có quy mô 7.904 căn hộ, tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 4.345 tỷ đồng.
Thay vì xây nhà ở xã hội trong khu đô thị, nhà ở thương mại, tập đoàn này kiến nghị đẩy mạnh phát triển mô hình nhà ở xã hội tập trung, do đây là mô hình giúp địa phương chủ động bố trí quỹ đất, khắc phục được tình trạng rải rác, manh mún
Trước kiến nghị này của Vingroup, Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, giải quyết vướng mắc trong chính sách phát triển nhà ở xã hội.
Lãnh đạo Chính phủ đồng thời cũng yêu cầu các bộ, ngành lập đề án đầu tư xây dựng tối thiểu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp... trong tháng 8.
Tại đại hội cổ đông vào giữa tháng 5, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinhomes Phạm Thiếu Hoa tiết lộ kế hoạch sẽ xây 500.000 căn hộ nhà ở xã hội Happy Home trong 5 năm tới, giá bán dưới 1 tỷ đồng một căn tại các vùng ven tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh..., đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hàng triệu người lao động trên cả nước.
Tháng 7, hai dự án nhà ở xã hội đầu tiên được Vinhomes - công ty con chuyên về phát triển các dự án bất động sản của Vingroup, khởi công xây dựng tại Thanh Hóa và Quảng Trị với số lượng 3.500 căn.